Những lời giải thích cười ra nước mắt của lãnh đạo

Một trong những đức tính cần có hàng đầu ở con người mà Bác Hồ đã dạy là “thật thà, dũng cảm”. Hai phẩm chất này càng cần thiết đối với một người ở vị trí là “công bộc” của dân, làm việc do dân, vì dân.

Cái tốt thì phát huy, cái chưa tốt phải thẳng thắn thừa nhận, dũng cảm nhận sai để sửa chữa. Thế nhưng trong những năm qua, người dân chứng kiến không ít lần các lãnh đạo đầu ngành khi đứng trước sai sót rõ mười mươi của ngành mình đã đưa ra những lời giải thích hoặc lập luận “cười ra nước mắt”.

Lọt đề khác lộ đề

Đơn cử mới đây nhất là vụ đề thi lớp 10 môn văn, toán ở Hà Nội bị phát tán ra ngoài trong khi buổi thi chưa kết thúc. Phụ huynh, học sinh đều rất hoang mang thì ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội, trấn an: "Đây là hiện tượng lọt đề thi chứ không phải lộ đề thi theo quy chế thi do Sở GD&ĐT đưa ra".

Đề thi bị tuồn ra ngoài

Có thể hiểu ý của ông Quang là do đề thi sau khi được mở tại các phòng thi mới bị một giáo viên chụp lại, chuyển ra ngoài, như vậy gọi là “lọt”. Còn “lộ” là đề phải bị tuồn ra trước khi buổi thi bắt đầu. Tuy nhiên, người nghe vẫn thấy cách dùng từ này có gì đó hơi khiên cưỡng.

Đường tụ nước không phải ngập

Mới vào đầu mùa mưa 2018, các tuyến đường tại TP.HCM đã đua nhau ngập. Thế nhưng Trung tâm chống ngập TP.HCM trong báo cáo cho UBND TP.HCM nêu có 22 tuyến đường bị “tụ nước”, không tính là điểm ngập. Trong 22 tuyến đó có những cái tên đã nổi danh vì “ngập vô địch” như Kha Vạn Cân, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Biểu, quốc lộ 1A, Hồ Học Lãm, Chánh Hưng….

Như thế này gọi là tụ hay là ngập nước? Ảnh: Trung Thanh

Khi được vặn lại như thế nào là tụ và thế nào là ngập, ông Đỗ Tấn Long,  trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước viện dẫn theo Văn bản số 338/BXD - KTQH của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, theo thông tin đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 25-5, cho đến nay ngay cả Bộ Xây dựng cũng chưa tìm lại được văn bản này.

Lãnh đạo TP.HCM: 'Không nên dùng từ 'tụ nước' trả lời dân'
Lãnh đạo TP.HCM: 'Không nên dùng từ 'tụ nước' trả lời dân'
(PLO)- “Những từ ngữ chuyên môn chỉ nên dùng để phục vụ trong kỹ thuật, trong thuyết minh cho dự án chứ không nên dùng khi trả lời người dân. Người dân đang bức xúc mà bảo “tụ nước” chứ không phải ngập thì không nên" - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nói.

18 vụ ùn ứ giao thông

Còn nhớ năm 2015, người dân được một phen ngớ người với báo cáo chín tháng đầu năm của  Ban An toàn giao thông TP.HCM  là chỉ xảy ra 18 vụ ùn ứ, không xảy ra ùn tắc hơn 30 phút.  

Lực lượng CSGT mỗi ngày vẫn căng mình chống kẹt xe. Ảnh: Lê Thoa

Giám đốc Sở GTVT, ông Bùi Xuân Cường giải thích thêm ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí là xe không di chuyển trong thời gian đó. Do đó, Các vụ việc kẹt xe kéo dài ở TP.HCM chỉ là ùn ứ vì xe vẫn có thể nhúc nhích được. Có lẽ tình trạng kẹt xe kinh hoàng trong các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, cho đến nay đã chứng minh được từ ùn ứ chẳng có ý nghĩa gì khi đem so với thực tế.

Một đường cong mềm mại

Năm 2014, tuyến đường Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) mở rộng (vành đai 2) đoạn từ cầu Sông Lừ đến Ngã Tư Vọng khi được thi công đã vấp phải phản ứng của người dân vì có một đoạn bị bẻ cong bất thường.

Đoạn đường cong thấy rõ. Ảnh: Reatime.vn

Trong một cuộc họp giao ban báo chí, lý giải về chuyện trên bản vẽ quy hoạch thì đường là một đường thẳng nhưng khi thi công lại cong, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cho biết: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung chỉ là trên tỉ lệ 1/10.000, điều đó thể hiện trên bản vẽ rất nhỏ nên không thể rõ những chỗ nào thẳng, chỗ nào cong…” lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vẫn khẳng định “con đường này có cong, tuy nhiên, đó chỉ là một đường cong mềm mại”.

Cầu tạo hình chữ V

Cuối năm 2011 trên địa bàn huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai xảy ra hai vụ sập cầu. Hai cây cầu Bản và cầu La Oh có kết cấu bê tông cốt thép, tuổi đời chưa lâu những đã liên tiếp sập xuống sông.

Bốn tháng sau sự cố, hai cây cầu vẫn chưa được khắc phục, người dân đi lại vô cùng khó khăn. Nói về sự cố này, ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pảh, cho rằng: “Cầu sập là do mưa lũ tạo dòng lớn làm trống chân trụ giữa của cầu làm cầu tạo thành chữ V chứ không sập. Với lại cả hai cây cầu đều là vốn của tỉnh và trung ương nên huyện không quản lý”.

Một trong hai cây cầu tạo hình V. Ảnh: Báo Gia Lai

Còn rất nhiều các kiểu chơi chữ nữa của các cấp lãnh đạo khiến người dân bất bình, phản ứng gay gắt. Mới đây cuộc tranh luận nảy lửa giữa “thu ph픓thu giá” và cuối cùng lãnh đạo bộ GTVT phải công nhận là cụm từ “thu giá” không ổn chút nào, phải thay đổi.

Thực ra thì lắt léo trong lời nói không làm thay đổi được bản chất vấn đề. Người dân không đòi hỏi các cấp, các ngành không bao giờ sai; người dân chỉ cần các ngành có sai thì sửa. Mong là những người có trách nhiệm thay vì mất thời gian nghĩ ra những lời giải thích càng nghe càng bực này hãy nhìn thẳng vào thực tế để gọi tên đúng và chỉnh sửa.

Xin đừng chọc cười dân nữa!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…