Một quyết định ‘ngâm’ suốt chín năm trời

Trước năm 2000, gia đình ông Nguyễn Tấn Trưng (63 tuổi, trú xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam) là một trong những hộ có diện tích đất rừng bị thu hồi để giao đất cho các mỏ đá đóng trên địa bàn khai thác. Tuy nhiên, khi huyện Núi Thành thu hồi đất lại không bồi thường thiệt hại cho gia đình ông.

Bồi thường bằng đất đã có chủ

Năm 2002, gia đình ông Trưng kiện UBND huyện Núi Thành ra tòa để yêu cầu bồi thường. Mãi đến năm 2005, gia đình ông Trưng được UBND huyện thỏa thuận sẽ bồi thường 11 ha đất rừng tại vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng khu vực rừng được huyện nói sẽ bồi thường này lại là rừng của dân, đã có chủ sử dụng. UBND xã Tam Nghĩa đã báo cáo lại với UBND huyện Núi Thành, việc bồi thường như vậy khó mà thực hiện. Vì diện tích đất bồi thường cho ông Trưng quá lớn, đất được huyện chỉ định lại đã cấp cho các hộ dân khác.

“Không biết thế nào mà huyện lại chỉ địa điểm đất bồi thường là đất rừng đã có chủ sử dụng. Gia đình không đồng ý với cách bồi thường như vậy. Đất đó của người ta, họ đã trồng cây và có giấy tờ hợp pháp. Đất của họ sao chúng tôi dám nhận” - ông Trưng kể.

Gia đình ông Nguyễn Tấn Trưng mỏi mòn chờ UBND huyện Núi Thành thi hành quyết định. Ảnh: LÊ PHI

Có quyết định nhưng chẳng chịu thi hành

Với các giải quyết lạ lùng của UBND huyện Núi Thành, ông Trưng tiếp tục khiếu nại. Năm 2006, chủ tịch UBND huyện Núi Thành đã ra quyết định (số 3868) công nhận gia đình ông Trưng được sử dụng hợp pháp 6,7 ha đất rừng. Quyết định này nêu rõ: “Thừa nhận 6,7 ha đất rừng của ông Nguyễn Tấn Trưng là hợp pháp. Vì vậy, giao trưởng Phòng TN&MT huyện Núi Thành chủ trì phối hợp với chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa kiểm tra, rà soát quỹ đất của UBND xã Tam Nghĩa chưa bàn giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng để lập thủ tục trình UBND huyện xem xét hoán đổi đất rừng đã bị thu hồi cho ông Trưng”.

Thế nhưng sau khi có quyết định của chủ tịch UBND huyện Núi Thành, các cơ quan chức năng của huyện lại không chịu thi hành. “Họ bắt tôi phải chờ đợi suốt chín năm qua. Tôi đã gửi đơn khiếu nại nhiều nơi nhưng huyện không giải quyết. Đến giờ, khi tôi đã già, không còn sức trồng rừng được nữa mà họ vẫn không chịu bồi thường” - ông Trưng ấm ức.

Ông Trưng nói bây giờ chỉ mong UBND huyện Núi Thành sớm bồi thường cho gia đình ông. “Trước khi bị thu hồi, trên đất tôi đã có hàng chục ngàn cây bạch đàn hơn 10 năm tuổi. Số cây ấy đến giờ thu hoạch thì sẽ cho nguồn thu nhập rất lớn. Tôi chỉ mong chính quyền sớm bồi thường để tôi an dưỡng tuổi già” - ông Trưng nói.

Chính quyền hứa sẽ giải quyết

Tháng 6-2015, ông Nguyễn Tấn Trưng đã ôm hồ sơ vào báo Pháp Luật TP.HCM nhờ giúp đỡ. Ngày 15-6-2015, báo có công văn đề nghị UBND huyện Núi Thành xem xét giải quyết quyền lợi cho gia đình ông Trưng.

Sau khi nhận được công văn của báo, UBND huyện Núi Thành một lần nữa chỉ đạo Phòng TN&MT huyện và UBND xã Tam Nghĩa khẩn trương tham mưu cho huyện giải quyết cho gia đình ông Trưng theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi với PV, ông Trần Đình Minh (Trưởng phòng TN&MT huyện Núi Thành) nói việc chậm trễ giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân như vậy là không đúng. “Thấy dân chờ đợi, giải quyết quá lâu như vậy cũng xót xa chứ. Nếu mình không giải quyết được thì phải đề xuất cơ quan có thẩm quyền cao hơn giải quyết cho dân. Mấy chục năm qua ông Trưng trồng cây trên đó, nếu để đến giờ sinh lợi biết bao nhiêu rồi. Nếu mình là dân mình cũng sẽ bức xúc thôi” - ông Minh nói.

Ông Minh thông tin: “Theo báo cáo của UBND xã Tam Nghĩa thì bây giờ xã không còn đất để giao cho ông Trưng nữa. Quỹ đất của xã đã hết. Hiện Phòng TN&MT đã báo cáo với UBND huyện về việc này. Theo pháp luật về đất đai, khi không còn đất nữa thì UBND huyện sẽ phải thỏa thuận với ông Trưng để bồi thường bằng tiền mặt. Chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện thành lập hội đồng tư vấn, sau đó sẽ mời gia đình ông Trưng đến để thỏa thuận việc bồi thường”.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cũng nói việc để người dân phải chờ lâu như vậy là rất đáng trách. “Đến bây giờ tôi vẫn chưa nghe báo cáo vụ việc này. Tôi sẽ làm việc lại với các đơn vị liên quan để xem xét, giải quyết sớm. Nếu không còn đất nữa thì phải thỏa thuận với gia đình để bồi thường thỏa đáng cho người dân theo Luật Đất đai” - ông Thịnh khẳng định.

Sẽ bồi thường thỏa đáng cho ông Trưng

Tôi sẽ chỉ đạo Phòng TN&MT sớm có báo cáo cụ thể và giải quyết vụ việc. Nếu tại xã Tam Nghĩa không còn đất nữa thì tìm và bố trí ở xã khác. Còn nếu thỏa thuận không được, người dân không chấp nhận thì phải nghiên cứu bồi thường cho họ.

Ông NGUYỄN VĂN MAU, Chủ tịch UBND huyện
Núi Thành, Quảng Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm