Lương hưu và câu chuyện xây dựng lòng tin

Vào cuối năm 2017, báo Pháp Luật TP.HCM nhận thông tin phản ánh của nhiều lao động về sự thay đổi đột ngột trong chính sách Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 khiến lao động nữ nghỉ hưu từ tháng 1-1-2018 bị giảm 2%-10% lương hưu.

Thông tin này nhanh chóng được báo Pháp Luật TP.HCM và một số báo khác đăng tải, các bài viết nhận rất nhiều phản hồi. Trong đó, hầu hết bạn đọc đều bức xúc với quy định sau một đêm người lao động bị mất một khoản tiền lương hưu không hề nhỏ.

Trước làn sóng đó, nhà thơ Nguyệt Vũ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có lá đơn gửi Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự thất vọng với “quả bom” chính sách. Nhà thơ khẳng định việc người lao động đóng bảo hiểm nhằm lo cho tương lai chứ không phải mua xổ số…

“Đành rằng với dân trí của người lao động như hiện nay, nhiều người về nghỉ hưu được hưởng bao nhiêu biết bấy nhiêu, nhưng cơ quan chức năng có biết 10% lương đối với người già lúc trái gió trở trời, cần tiền mua viên thuốc giá trị đến mức nào không? Giảm tỉ lệ lương hưu của chúng tôi thì thu được bao nhiêu mà nỡ làm như vậy…?” - nhà thơ đặt câu hỏi.

Người dân nhận lương hưu. Ảnh minh họa

Chưa dừng lại ở đó, bạn đọc còn góp ý thẳng thắn cho các nhà hoạch định chính sách bằng nhận định: Một xã hội mà cư xử bất công với người già là một xã hội thiếu nhân văn dù bất cứ lý do gì.

Tiếng kêu người dân đã chạm đến nghị trường Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định cần phải xem xét lại quy định này. Ngay sau đó, bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thừa nhận những bất cập tại khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 khiến 40.000 lao động nữ sau một đêm mất 2%-10% lương hưu. Đồng thời có văn bản tham mưu cho Chính phủ tính toán các giải pháp về quy định trên để trình Quốc hội cho ý kiến.

Sau đó nhiều phương án đã được tính đến, như xin ý kiến Quốc hội để sửa luật, ban hành nghị quyết điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ... Đáng tiếc, đến ngày 1-1-2018 vẫn chưa có một quyết định hay thông điệp nào được đưa ra.

Báo Pháp Luật TP.HCM và nhiều tờ báo khác tiếp tục đeo đuổi. Trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cũng nóng lòng khi khẳng định vấn đề lương hưu nữ được đặt ra từ tháng 2 và tháng 3-2017 nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Với sức ép trên, hiện Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra được dự thảo Nghị định. Trong đó, quy định lao động bị mất 2-10% sẽ được bù vào đợt tăng lương hưu trong năm nay.

Phải thừa nhận, đây là động thái chậm nhưng phần nào xoa dịu được phản ứng của dư luận. Tuy nhiên, nếu Nghị định này ra đời, cũng chưa thể xử lý triệt để những bất cập trong Luật BHXH, bởi người lao động vẫn chịu thiệt thòi sau năm 2021.

Có thể thấy, từ khi Luật BHXH có hiệu lực (ba năm) đã bộc lộ những bất cập lớn. Ngoài quy định trên, còn nhớ năm 2015, hàng ngàn công nhân phản ứng quy định tại Điều 60 của luật này về hưởng BHXH một lần trong thời gian lao động. Sau đó, các đại biểu Quốc hội phải “sửa sai” bằng một Nghị quyết.

Trở lại câu chuyện về chính sách bảo hiểm, bản chất của loại hình này là người mua bỏ tiền ra mua các lợi ích trước để phòng rủi ro trong tương lai. Đối với BHXH Việt Nam, người dân càng tin tưởng hơn vì đã đặt cuộc sống của mình khi tuổi già sức yếu vào tay Nhà nước. Nên các chính sách đưa ra cần có sự cân nhắc và trong đó đề cao tính nhân văn.

Bởi vậy, khi nhận thấy sự bất cập, bạn đọc đã tin tưởng và cung cấp thông tin để báo Pháp Luật TP.HCM chuyển tải những thông điệp đó đến Đảng, Nhà nước. Nhờ vậy, những nhà làm chính sách mới nhận ra cái sai, bất hợp lý để điều chỉnh, sửa sai kịp thời nhằm xây dựng một xã hội nhân văn tốt đẹp hơn như mục đích ban đầu của nó. Đặc biệt là xây dựng lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với chính sách bảo hiểm xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm