Đề xuất 3 phương án lương tối thiểu cho công chức

Giai đoạn 2013-2020, mức lương tối thiểu dành cho cán bộ, công chức trong cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội sẽ có ba phương án là 2.000.000 đồng/tháng, 1.680.000 đồng/tháng và 3.150.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu chung áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nâng lên từ 830.000 đồng/tháng lên 1.050.000 đồng/tháng, bắt đầu từ 1/5/2012.
 
Như vậy mặc dù đã tăng nhưng lương tối thiểu chung vẫn chỉ bằng 75% lương tối thiểu vùng thấp nhất (vùng IV: 1,4 triệu đồng/tháng) và bằng 52,5% lương tối thiểu vùng cao nhất (vùng I: 2 triệu đồng/tháng).
 
Hiện nay, mức lương tối thiểu chung chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011, là quá thấp và không đủ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu.
 
Đây là thực trạng được đưa ra tại hội thảo “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013-2020” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 20/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Ngoài ra, theo Bộ Nội vụ, bắt đầu từ 1/5/2012, mức phụ cấp công vụ sẽ được nâng từ 10% lên 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung.
 
Ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tiền lương của cán bộ, công chức phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường.
 
Nếu không thỏa mãn tốt quan hệ này mà tiền lương của cán bộ, công chức quá thấp thì sẽ xảy ra hội chứng “tước đoạt để bù đắp” trong thực thi công việc, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng và tăng dòng dịch chuyển lao động từ khu vực nhà nước ra khu vực thị trường (chảy máu chất xám).
 
Giai đoạn 2013-2020, mức lương tối thiểu dành cho cán bộ, công chức trong cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội sẽ có ba phương án là 2.000.000 đồng/tháng, 1.680.000 đồng/tháng và 3.150.000 đồng/tháng.
 
Đối với viên chức sự nghiệp có hai phương án là mức lương tối thiểu được áp dụng như lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp (4 vùng) và áp dụng như lương tối thiểu của cán bộ, công chức.
 
Về quan hệ mức lương tối thiểu-trung bình-tối đa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra 2 phương án.
 
Thứ nhất là theo cách tiếp cận tương quan với khu vực thị trường thì quan hệ trên sẽ biểu hiện ra ở các bậc lương 1-3,2-15, tương ứng với 830.000-2.656.000-12.450.000 đồng/tháng. Phương án 2 dựa trên cách tiếp cận độ phức tạp lao động sẽ là các bậc 1-3,5-15, tương ứng với 830.000-2.905.000-12.450.000 đồng/tháng.
 
Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến đồng tình với phương án 2 (1.680.000 đồng/tháng) về việc điều chỉnh lương tối thiểu dành cho cán bộ, công chức trong cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội.
 
Tuy nhiên theo ông Ngô Công Hầu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, nếu áp dụng phương án 2 cho đến tận năm 2020 lại không ổn, cần phải tăng thêm hoặc phải tính độ trượt giá để bù vào.
 
Trong khi đó, ông Phạm Văn Ru, Phó trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai cho rằng nên áp dụng phương án 1 là 2.000.000 đồng/tháng (bằng lương tối thiểu vùng I của doanh nghiệp).
 
Phương án này sẽ thu hút được người có năng lực về khu vực nông thôn làm việc, chứ không phải tạo nên sự chênh lệch giữa cán bộ, công chức với thu nhập của người dân vùng khó khăn.
 
Về tạo nguồn cải cách tiền lương, theo Bộ Nội vụ là sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% kinh phí quản lý hành chính để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả công tác bố trí, sử dụng dự toán ngân sách nhà nước. Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương để gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí, sử dụng biên chế, ngân sách.
 
Đối với địa phương có số thu cao, tự bảo đảm và còn dư nguồn cải cách tiền lương thì được sử dụng nguồn dư đó để chi trả tiền lương tăng thêm không quá 50% so với chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết khác. Sau khi thực hiện các nguồn nói trên mà vẫn còn thiếu thì ngân sách Trung ương sẽ bổ sung.
 
Ngoài ra, một giải pháp quan trọng khác cũng được Bộ Nội vụ đưa ra là sẽ chuyển đổi cơ chế cấp phát kinh phí sang hình thức đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí của từng loại hình dịch vụ.
 
Đối với đơn vị sự nghiệp công có thu thì được chủ động sử dụng toàn bộ số thu để lại theo chế độ và các nguồn thu hợp pháp khác để chi thường xuyên, trong đó có công tác tiền lương./.


 
Theo Trần Xuân Tình
TTXVN/Vietnam+

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm