Dân mã lạng, Đồng Tiến sắp có hộ khẩu!

Báo Pháp Luật TP.HCM từng có loạt bài phản ánh về hàng trăm người dân ở hẻm 95 Phó Đức Chính và hẻm 100 Nguyễn Công Trứ (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) hơn 20 năm chưa được nhập hộ khẩu và không có giấy tờ tùy thân. Tưởng đâu đó chỉ là những trường hợp cá biệt, mới đây chúng tôi phát hiện thêm một khu phố “vô danh” tương tự ở khu tạm cư Đồng Tiến và Mã Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh).

30 năm không mảnh giấy lận lưng

Khu phố trên có khoảng 200 hộ. Phần lớn các hộ thuộc thành phần đi kinh tế mới hoặc là những người vô gia cư. Năm 1980, những hộ này được phường tập trung lại, cấp cho mỗi gia đình 9 m2 đất và một gian nhà tranh. Gần ba mươi năm nay, mỗi gia đình chỉ được cấp một sổ tạm trú, mỗi năm gia hạn một lần.

Không có hộ khẩu, có những người đã 60 tuổi mà vẫn chưa có chứng minh nhân dân. Nhiều em đi học đại học với hồ sơ nhập học chỉ vỏn vẹn tờ giấy xác nhận đang tạm trú tại phường. Nhiều trường hợp lấy vợ, lấy chồng nhưng không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn. Nhiều người muốn mua xe đi lại phải nhờ người khác đứng tên hoặc mua xe cũ để khỏi phải làm giấy tờ.

Ông Nguyễn Hoàng Việt nói: “Tụi tui đi kinh tế mới ở Kiên Giang về nên con cháu sinh mỗi đứa một nơi, giấy khai sinh cũng không đủ. Nhà tui hơn chục người lớn, nhỏ chẳng có giấy tờ gì!”. Theo ông Việt, việc không hộ khẩu, không giấy tờ hợp pháp khiến các thanh niên trong khu khó tìm được việc làm ổn định mà chỉ có thể làm những công việc lặt vặt, chân tay.

Ông Nguyễn Văn Sơn (158 khu Đồng Tiến) cũng tâm sự: “Sống hơn nửa đời người rồi nên có giấy tờ hay không đối với tôi không quan trọng. Nhưng con cái đã lớn, chúng cần có giấy tờ để đi học và kiếm việc làm đàng hoàng...”.

Lấn cấn tình trạng nhà

Ngay sau khi Luật Cư trú có hiệu lực, các hộ kéo nhau đến quận nộp hồ sơ xin nhập hộ khẩu. Nhưng ít hôm sau, Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận 1 đã trả lại hồ sơ vì thiếu hợp đồng thuê nhà với nhà nước.

Đáng nói là các hộ không thể làm được hợp đồng này theo nhu cầu. Ông Sơn nói: “Hàng tháng chúng tôi vẫn nộp đầy đủ tiền thuê nhà cho Công ty Quản lý nhà quận 1. Song công ty không chịu ký hợp đồng thuê nhà, viện lẽ vướng quy hoạch”.

Ông Phạm Văn Toàn, đại diện Công ty Quản lý nhà quận 1, cho biết: Do khu tạm cư này nằm hoàn toàn trên lộ giới song hành đường Nguyễn Trãi nên các hộ không được hợp thức hóa việc thuê (hay sang thuê nhà). Khoản tiền thuê nhà là do người dân tự nguyện nộp chứ công ty không bắt buộc. Công ty cũng sẽ hủy bỏ một số hợp đồng đã ký trước đây và hoàn lại khoản tiền thuê nhà nếu các hộ có yêu cầu.

Sự từ chối của hai cơ quan nêu trên liệu có hợp lý hay không khi tình trạng của khu nhà đang bị “treo” lơ lửng: nhà không phải của tư nhân và cũng không phải của nhà nước? Mặt khác, theo Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn, các hộ không hề thuộc những trường hợp không được đăng ký thường trú và cũng đã được UBND phường cấp giấy xác nhận nhà không bị tranh chấp, khiếu nại.

Sau nhiều lần liên hệ, chiều 8-10, PV Báo Pháp Luật TP.HCM đã theo chân những người có trách nhiệm của quận 1 đi tìm hướng tháo gỡ cho hàng trăm hộ dân nói trên. Tại cuộc họp bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Chúc, Phó Chủ tịch UBND quận 1, đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phải tạo điều kiện cho hàng trăm hộ dân nêu trên nhập hộ khẩu. Nếu hộ nào chưa có số nhà thì Phòng Quản lý đô thị quận phải cấp số nhà tạm để người dân làm được hồ sơ đăng ký thường trú. Những trường hợp sang nhượng nhà bằng giấy tay cũng sẽ được xem xét cho nhập hộ khẩu.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi việc giải quyết của các đơn vị liên quan để kịp thời thông tin kết quả đến bạn đọc.

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm