Dân hiến kế trị nạn chống đối CSGT

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM online tổ chức diễn đàn “Vì sao cảnh sát giao thông thường xuyên bị chống đối?”, rất nhiều ý kiến bạn đọc được gửi về để bày tỏ quan điểm. Có thể thấy đây là vấn đề rất được dư luận xã hội quan tâm.

Nhìn chung, bạn đọc đồng tình vấn nạn chống đối người thi hành công vụ (đặc biệt là CSGT) đang có xu hướng tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Số đông đều nhận ra những nguyên nhân cốt lõi của thực trạng trên và đáng mừng là đa số đều nghĩ cần phải chọn cách hành xử thượng tôn pháp luật, hiệu quả hơn.

Có thật và không thể xem thường

Bạn đọc nhận định tình hình theo hai hướng. Một số ít cho rằng lỗi ở người tham gia giao thông “đã vi phạm nhưng không tự nguyện chịu phạt”, “quen thói hành xử côn đồ, bất tuân luật lệ, coi trời bằng vung”, “những đối tượng cá biệt, hung hăng hoặc mất kiểm soát hành vi” như ý kiến của các bạn đọc Đỗ Tâm An, Bạch Linh, Ngọc Long

CSGT đang đo nồng độ cồn một người điều khiển xe máy trên đường Hùng Vương, quận 5, TP.HCM.Ảnh: HTD

Bạn đọc Phong nhận định: “Khi bị thổi phạt bạn có phạm luật không, khi bị phạt bạn có đút tiền để đi cho lẹ không? Dân ghét CSGT vì lý do vòi vĩnh nhưng thật ra tạo điều kiện cho họ làm vậy lại chính là người dân”. Nhóm bạn đọc cùng ý kiến này cho rằng nếu người dân đi đúng luật, hành xử đúng quy định thì CSGT muốn làm khó cũng không được.

Tuy nhiên, ý kiến phản bác quan điểm trên lại áp đảo. Hàng loạt bình luận chỉ ra “điểm trừ” của lực lượng cảnh sát khiến người dân bức xúc, giận dữ. Trong đó điển hình là sự lạm dụng chức quyền, tranh thủ dân không rành luật để hăm dọa, trục lợi. Bạn Đỗ Mạnh Duy chỉ rõ “thay vì chỉ dẫn, giúp dân làm đúng thì cảnh sát lại kiếm thêm tiền trên sự thiếu kiến thức pháp luật của dân. Người hiền thì chịu phạt rồi đi lan truyền hình ảnh xấu ấy cho người khác; người dữ chắc chắn họ sẽ chống đối”. 

Thái độ của CSGT cũng được các bạn Thanh Phong, Ngọc Tân, Bùi Quỳnh Trang lên tiếng: “Hiếm khi tôi được CSGT chào”, “quát nạt, cau có, thậm chí văng tục”, “thái độ bề trên”... là những điểm xấu bị điểm mặt. Bạn Tran Thai đề xuất “lãnh đạo Bộ Công an nên vi hành suốt cả tuyến đường từ Nam chí Bắc để thấy nạn mãi lộ nhức nhối diễn ra mỗi ngày ở mọi nơi” .

Mong mỏi chấm dứt vấn nạn ở cả hai phía

Bạn đọc Trần Minh Tâm cho rằng: “CSGT thường xuyên tiếp xúc với người dân lưu thông trên đường nên là lực lượng mặt tiền của công an, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự an toàn giao thông. Vì thế lực lượng này phải luôn cẩn trọng, xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng dân, khiến dân nể phục và tuân theo sự điều hành của mình. Theo tôi, CSGT phải minh bạch và có thái độ chuẩn mực trước dân”.

Những vụ chống đối CSGT từ mạt sát, hành hung, gây thương tích đến mất mạng đã xảy ra. Đây là diễn biến không thể xem thường và “tiền lệ xấu này sẽ gia tăng nếu cả hai phía không điều chỉnh thái độ của mình”.

Theo các bạn Như Quỳnh, Thanh Tùng… về phía người dân phải trang bị kiến thức về luật giao thông, không manh động và “phải chấp hành tuyệt đối pháp luật”, “nâng cao hiệu quả xử phạt, tăng nặng hình phạt với tội chống người thi hành công vụ để có tác dụng răn đe”.

Theo bạn đọc Nguyễn Liêm, người dân nên trang bị kiến thức pháp luật để bảo vệ mình, “khi thấy có tiêu cực thì thu thập bằng chứng CSGT vi phạm để tố cáo trước pháp luật. Người dân không bao giờ nên “tự xử” bởi sẽ không thể hợp lý hóa hành vi ấy bằng bất cứ cách nào”.

Về phía CSGT, người dân chỉ mong lực lượng này thực sự trong sạch, tận tâm và công bằng. Độc giả Anh Bay, Nguyễn Minh Đạt, Le Thai Duong… đánh giá cao công cụ giám sát, “cần có bộ phận thanh tra chuyên giám sát thực tế, tiếp nhận và xử lý tin báo hành vi xấu, tiêu cực của CSGT để xử lý nghiêm minh”, “cho phép người dân ghi âm, ghi hình để có bằng chứng”.

Bạn Trần Mai Thanh cho rằng “cần học nước ngoài tách việc bắt lỗi đưa vé phạt và thu tiền phạt thành hai bộ phận, không cho phép CSGT được xử phạt để có kẽ hở tự làm luật”. “Dân sai thì xử lý dân, công an sai thì xử lý công an nên có đường dây nóng để người dân tham gia tố cáo” là giải pháp của độc giả Nguyễn Văn Út.

CSGT là lực lượng va chạm với dân nhiều nhất nhưng đây cũng là lợi thế để họ được dân yêu quý, nể phục nhiều hơn so với các lực lượng khác. “Người dân rất cần an toàn giao thông nên không có lý do gì không ủng hộ nếu CSGT làm đúng chức trách. Việc công luận ủng hộ trung úy ở Cần Thơ đã minh chứng CSGT làm tốt người dân sẽ ủng hộ, làm sai thì bị lên án dù ở vị trí nào” - bạn Quang Vinh nói.

Văn hóa giao tiếp là một vấn đề mà cả hai phía cần phải học” - Nguyễn Thị Lan

 “CSGT cần phải minh bạch hơn và có thái độ chuẩn mực trước dân” - Minh Tâm

“Việc đưa hối lộ, chung chi sẽ tự biến mất nếu CSGT cương quyết không nhận hối lộ và có người giám sát kết quả, công việc của CSGT” Hùng

 “Không cổ súy cho hành vi sai trái từ phía người tham gia giao thông nhưng cũng không thể thờ ơ, xem nhẹ, hay xử lý theo kiểu… rút kinh nghiệm CSGT” –KGB

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm