Cứ tặng hoa nhưng đừng lấy tiền ngân sách

Tình trạng lãng phí tràn lan, nhất là lãng phí trong chi tiêu ngân sách từ nhiều năm qua đã gây bất bình lớn trong xã hội. Mua sắm xe con đắt tiền để đưa rước cán bộ trong bộ máy nhà nước; xây dựng tràn lan tượng đài và đền tưởng niệm; các công trình công cộng như cầu, đường làm cẩu thả, kém chất lượng phải làm đi làm lại nhiều lần… Thực trạng lãng phí ấy đã đưa đến suy nghĩ tích cực của một số ngành và địa phương nhằm ngăn lãng phí chi tiêu. Chuyện bí thư Tỉnh ủy đồng thời là chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các cơ quan trong tỉnh không được tặng lẵng hoa khi đến dự các buổi lễ, kỷ niệm… có lẽ cũng xuất phát từ suy nghĩ tích cực ấy.

Chủ trương của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi có mục đích rất rõ ràng: Ngăn chặn lãng phí từ việc tặng quá nhiều hoa trong một buổi lễ, mà hoa thì không có giá trị sử dụng dài ngày. Dù vậy, chuyện này vẫn có những điều cần phải suy nghĩ thấu đáo hơn trước khi đi vào thực hiện và biết đâu lại nhân ra ở đâu đó nữa.

Trước hết, ai cũng hiểu tặng hoa là một hành vi văn hóa của một cá nhân, một tập thể dành cho một cá nhân hoặc tập thể khác vào những dịp nào đó. Hoa là thông điệp của tình yêu thương, lòng kính trọng, sự sẻ chia, niềm hạnh phúc hoặc sự mất mát của con người dành cho nhau. Không ai (hoặc có thì cũng quá hãn hữu) vì ghét ai đó mà tặng hoa.

Những dịp kỷ niệm, khai trương, người ta thường bày tỏ tình cảm bằng những lẵng hoa tươi thắm. Ảnh: HTD

Vì hoa là thông điệp không lời nên người ta mới chăm chút ngày càng kỹ lưỡng hơn cho màu hoa, dáng hoa, cách đóng gói hoa để đem tặng. Mức sống càng được cải thiện thì người ta càng chú trọng hơn đến việc trồng hoa làm đẹp nơi sống và nơi làm việc của mình, càng chú trọng hơn đến việc tặng hoa vào những dịp sinh nhật, lễ, tết, kỷ niệm, khai trương.

Vấn đề đáng chú ý có lẽ là ở chỗ không phải cứ càng có nhiều tiền thì người ta càng phải mua những loại hoa đắt tiền; người có chức vụ cao hoặc người có nhiều tiền thì đáng được tặng hoa to hơn, đắt hơn.

Có không ít người đã thành danh trong chính trường và thương trường vẫn nhớ mãi, thích mãi việc được tặng chỉ một bông hoa hoặc một bó hoa vài ba cành từ những người mà họ biết chắc đó là người yêu thương, kính trọng mình thực sự.

Có những buổi lễ có ý nghĩa lớn nhưng hoa gửi tặng không hề hoành tráng và cũng chẳng phải là loại hoa đắt tiền mà vẫn được ban tổ chức đón nhận và trân trọng trưng bày. Cả người tặng hoa và người được tặng hoa trong trường hợp đó đều là những người thấu hiểu văn hóa tặng. Tặng cái gì, tặng cho ai và tặng như thế nào. Hiểu như thế thì chẳng có gì phải lo nghĩ đến chi phí đã bỏ ra cho món quà tặng, trong đó có hoa.

Sau nữa, hoa hoàn toàn khác với pháo nổ - là vật khi sử dụng không chỉ lãng phí mà còn gây ô nhiễm, kể cả rủi ro sát thương cao. Tặng hoa, vì thế chỉ nên vận động theo thời gian và bằng những minh chứng thuyết phục chứ không nên, không thể cấm bằng một văn bản hành chính, cho dù là vì mục đích ngăn lãng phí.

Để hạn chế chi phí từ ngân sách cho hoa tặng giữa các cơ quan, đơn vị với nhau, kể cả giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới, nên chăng chỉ ban hành văn bản không đồng ý chi từ nguồn ngân sách cho việc tặng hoa; xem việc tặng hoa là một ứng xử để gìn giữ mối quan hệ tinh thần giữa các đơn vị với nhau thì nên chi từ nguồn khác, ví dụ nguồn quỹ công đoàn của cơ quan, nguồn đóng góp của các cá nhân lãnh đạo cơ quan một cách phù hợp.

Nghĩ như vậy về việc tặng hoa và việc ngăn lãng phí từ chi phí hoa tặng, có lẽ cũng sẽ gợi ra thêm những cách làm hợp lý về văn hóa tặng hoa.

NGUYỄN THẾ THANH, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm