Ăn buổi đêm như thế nào không ảnh hưởng đến sức khỏe

Một thực trạng có thể nhận ra khi hàng loạt quán ăn được bán thâu đêm cũng như fanpage “Ship đồ ăn đêm” hay “Địa điểm ăn đêm” xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Điều đó có thể thấy nhu cầu ăn đêm của người dân là rất cao, vô hình trung nó tạo thành một thói quen không tốt cho sức khỏe.

Ăn đêm không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe.

BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết: “Đối với vấn đề ăn đêm, nghĩa là ăn muộn hơn 20 giờ, có một số tác động xấu cho sức khỏe. Thứ nhất, nó gây quá tải cho hệ thống tiêu hóa của cơ thể bởi về mặt sinh lý ban đêm là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi nhưng chúng ta ăn đêm thì hệ tiêu hóa sẽ phải tiết ra dịch vị, dịch tiêu hóa ví dụ như ruột, gan, tụy, dạ dày và kể cả miệng đều phải tiết ra các men tiêu hóa, nó gây quá tải cho cơ thể.

Thứ hai, khi ăn xong thường thì chúng ta không vận động mà chỉ có đi ngủ, do đó năng lượng đi vào sẽ tích trữ thành thừa cân, béo phì. Không chỉ về vấn đề tiêu hóa, năng lượng, ăn đêm còn có liên quan đến các nguy cơ mắc các bệnh rối loạn về tinh thần, tim mạch và thậm chí gây ra các bệnh sâu răng, viêm nướu”.

Mới đây, có một nghiên cứu chỉ ra rằng ăn vặt vào đêm khuya có thể làm tăng nguy cơ của bệnh tiểu đường và bệnh tim. Theo tờ Telegraph thì các nhà nghiên cứu của Trường y Perelman - ĐH Pennsylvania đã phát hiện ra rằng ăn đêm làm tăng hàm lượng glucose và insulin - đây là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Họ cũng chỉ ra rằng lựa chọn sai thời điểm ăn uống có thể ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol, tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc gây ra đau tim.

Namni Goel, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “... Ăn muộn gây ra các tiêu cực về cân nặng, năng lượng và các chỉ số hormone chẳng hạn hàm lượng glucose và insulin cao hơn - vốn có liên quan tới các vấn đề tim mạch và nhiều bệnh tật khác”.

Ngoài ra còn một số nghiên cứu về tác hại của ăn đêm đăng trên tờ Telegraph.

Ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn

Một nghiên cứu khác của Mỹ chỉ ra rằng ăn tối muộn vào ban đêm có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn. Nghiên cứu của ĐH California cho thấy ăn vào những giờ bất thường - như tối muộn - gây hại cho chức năng nhận thức.

Ăn đêm có thể làm giảm trí nhớ, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim... và nhiều bệnh lý khác.

Làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim

Theo các chuyên gia, ăn bữa tối sau 7 giờ có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Nhóm các nhà khoa học của ĐH Dokuz Eylul đã khảo sát hơn 700 người trưởng thành bị huyết áp cao nhằm tìm ra xem liệu thời điểm ăn uống khác nhau có tạo nên khác biệt nào đối với sức khỏe của họ không.

Theo đó, ăn bữa tối muộn có tác động rõ rệt nhất tới huyết áp sau một đêm. Còn ăn trong vòng hai tiếng trước khi đi ngủ gây hại nhiều hơn so với chế độ ăn có hàm lượng muối cao. Cụ thể, 24,2% số người ăn tối muộn trong vòng hai tiếng khi đi ngủ bị huyết áp cao và không hề giảm xuống sau một đêm, so với 14,2% số người ăn tối sớm hơn.

TS Ebru Ozpelit, trợ giảng khoa tim mạch tại ĐH Dokul Eylul, chia sẻ: "Chúng tôi phải nhận diện mức độ và thời điểm lý tưởng của bữa ăn bởi chúng ta ăn như thế nào quan trọng như việc chúng ta ăn gì... Chúng ta nên ăn một bữa tối nho nhỏ và không được muộn hơn 7 giờ tối".

Tăng nguy cơ tình trạng trào ngược acid dạ dày

Theo các chuyên gia, ăn khuya (thức ăn đặc biệt nặng) và đi ngủ ngay sau khi ăn là một đóng góp quan trọng để trào ngược acid.

Bởi vì dạ dày của bạn phải mất vài giờ mới tiêu hóa được lượng thức ăn cơ thể nạp vào. BS Jamie Koufman nói khi bạn đi ngủ, nó cho phép acid tràn ra khỏi dạ dày vẫn còn đầy rồi rò rỉ vào thực quản, dẫn tới hiện tượng trên.

Phát biểu với The New York Times vào năm 2014, bác sĩ cho hay: "Các loại thuốc chúng tôi đang sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày không phải lúc nào cũng hiệu quả. Và ngay khi hiệu quả thì vẫn gây ra tác dụng phụ. Tôi đã nói với bệnh nhân phải ăn trước 7 giờ tối và không ăn gì sau giờ làm việc. Trong vòng sáu tuần, bệnh của ông đã biến mất”.

Do đó hãy có một chế độ ăn khoa học và hợp lý để cơ thể có thể khỏe mạnh.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm