Xâm nhập tín dụng đen đất Cảng: Tung chiêu ‘bủa vây’ con nợ

Khi con nợ nhiều ngày không đóng tiền, gọi điện thoại không được, tìm đến nhà không gặp… là những dấu hiệu xấu và chủ các tiệm cho vay họ góp ra tay với đủ các trò: Từ khủng bố tinh thần đến bắt, đánh con nợ, cưỡng đoạt tài sản.
Quay cuồng trong vòng xoáy họ góp
Buổi trưa, tiệm ăn chuyên bán thịt gà ở quận Kiến An thực khách nườm nượp, bỗng một nhóm gần chục thanh niên xăm trổ kéo vào.
Nhóm này đứng ngay cửa tiệm, chặn khách nói “Quán đang đóng cửa không bán”. Ông chủ quán tái mặt nhưng chỉ biết đứng chết lặng.
Trước đó chủ quán vay tiền của một nhóm giang hồ. Bát họ này chưa dứt lại đảo bát mới, lãi chồng lên lãi, số nợ tăng dần lên tới mấy trăm triệu đồng và chủ nợ cho người tới gây áp lực. Sau vài lần xua đàn em đến quán, chủ đành gán quán ăn cho chủ nợ với giá rẻ mạt.
Anh TA mở một hiệu thuốc Tây ở quận Hải An, đã vay một khoản họ góp 50 triệu đồng nhưng ế ẩm, không đủ chi phí thuê quầy, thuê nhân công. Túng quẫn, lại phải vay thêm, qua vài lần đảo bát họ, số nợ của TA cứ tăng dần, chủ cho người tới quầy thuốc gây áp lực, gia đình phải đứng ra giải quyết.

Một nhóm đòi nợ tín dụng đen khủng bố ném chất bẩn, gửi ảnh kèm đe dọa nhà con nợ ở phố Cầu Đất (Hải Phòng) bị Công an TP Hải Phòng triệt phá tháng 2-2017. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Thúc ép theo quy trình!
Nghe Ngọc “cò lả” báo có khách hàng nhiều ngày chưa thu được tiền, gọi điện thoại không trả lời, B. “còi” liền bấm điện thoại, chuông đổ nhưng không có người nhấc máy. “Dấu hiệu xấu rồi” - B. “còi” văng tục, nói.
Vị khách này là một thanh niên gần 30 tuổi, làm cơ quan nhà nước, góp hơn 20 ngày thì ngưng. “Thằng này gia đình cơ bản, không bùng được, số tiền cũng không lớn” - B. nói rồi nhắn vào số điện thoại của khách thông báo việc sẽ thu nợ. Sáng hôm sau con nợ gọi B. “còi” qua trả tiền.
Có một cô gái bốc nóng 10 triệu đồng, trả được 5 triệu đồng thì tắt điện thoại. B “còi” liền nhắn tin vào các mạng xã hội mà cô này đang dùng, dọa nếu không trả sẽ đưa thông tin công khai lên Facebook “bóc phốt”. Vài ngày sau, anh của cô gái nợ tiền liền liên hệ trả đủ số tiền mà cô em còn thiếu.
Theo B. “còi”, tùy từng trường hợp mà có cách ép con nợ trả tiền. Đầu tiên là dọa đưa thông tin, hình ảnh lên nhóm “hội nợ xấu” trên Facebook. Không hồi âm thì sẽ cho một nhóm xăm trổ tới nhà nói chuyện phân tích thiệt hơn, kể cả uy hiếp, đe dọa.
Trường hợp đến nhà nói chuyện mà gia đình không trả thay vì người thân đã nhiều lần báo nợ, lúc này mới dùng biện pháp mạnh. Đầu tiên là cho đàn em đến to tiếng chửi bới, đe dọa. Đêm sẽ cho người ném sơn hoặc chất bẩn, phân pha nhớt… vào nhà. “Nhiều lần “khủng bố”, thường là gia đình sẽ xin trả dần” - B. cho hay.
Con nợ “bốc hơi”, chủ nợ “bóc phốt”
Tuy nhiên, có không ít trường hợp con nợ vay nợ quá nhiều nơi, bỏ trốn biệt tích vì “thẩm định hồ sơ không kỹ”.
Ba năm trước, B. “còi” cho một cô gái ở quận Lê Chân vay 30 triệu đồng. Trả được 12 triệu thì cô này mất liên lạc. B. cho đàn em đến nhà mới hay con nợ đã bỏ đi Đài Loan.
Nhiều cửa hàng họ góp cũng bị con nợ giựt hàng trăm triệu đồng rồi bỏ trốn biệt tăm vì không biết trước đó là khách hàng của nhiều dây họ góp và các khách hàng này bị các chủ cửa tiệm cho vay đưa lên Facebook. Ở Hải Phòng, “hội nợ xấu” luôn cập nhật hình ảnh kèm tên tuổi, địa chỉ những người “xù” nợ và danh sách cứ dài ra!
Trên các “hội nợ xấu”, con nợ thuộc đủ mọi thành phần, từ những cô gái trẻ đến những phụ nữ cao tuổi, từ dân xã hội tới cán bộ nhà nước kèm đủ các chứng cứ vay nợ như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, CMND, thậm chí cả thẻ ngành mà con nợ gửi ở cửa hàng cho vay họ góp. Trong đó chủ nợ dùng đủ ngôn từ nói về con nợ như “giẻ rách”, “mất trí nhớ”, “ra đi có cầm nhầm một số tiền”…
“Khi đã phải tung lên mạng xã hội thì con nợ đã bỏ đi biệt tăm. Việc đăng tải này làm cho con nợ và gia đình họ mang tiếng xấu, đồng thời cảnh báo các chủ tiệm khác không cho vay… Khi có dấu hiệu nợ xấu phải hành động ngay, truy tìm bằng mọi cách trước khi con nợ biến mất” - B. nói.

• Trưa 22-3, ĐTT cùng đàn em tìm ở khu vực Hoàng Minh Thảo (quận Lê Chân) gặp con nợ L. đang lánh mặt. Cuộc thương thảo nợ nần không thống nhất nên nhóm T. ép đến công an làm việc. Trên đường đi, nhóm T. đánh con nợ. Sau đó L. tố cáo bị bắt giữ người trái pháp luật nhưng cơ quan tố tụng cho rằng nhóm T. chỉ ép con nợ tới trụ sở công an phường để giải quyết việc nợ nần nên chủ nợ may mắn thoát vòng lao lý.

• Ba năm trước, B. “còi” bị giật nợ liền dẫn năm thanh niên tới nhà, đưa con nợ ra khu đồng vắng đánh hội đồng. Sau khi công an vào cuộc thì gia đình con nợ bãi nại, không giám định thương tật, B. thoát bị pháp luật xử lý.

Việc bắt con nợ, đánh đập bị công an bắt, xử lý về các tội như cướp, cưỡng đoạt, bắt giữ người trái pháp luật thì nhiều vô kể nhưng hiếm khi cơ quan tố tụng xử lý chủ các đường dây cho vay lãi nặng nên tín dụng đen ngày càng lan rộng.

_________________________________

Bài cuối: Vì sao không dẹp được nạn tín dụng đen? Các cơ quan chức năng nhìn nhận tín dụng đen gây nhiều bất ổn xã hội và luật cũng đã sửa đổi theo hướng dễ xử lý hơn đối với tín dụng đen nhưng vì sao nó cứ tồn tại, có xu hướng phát triển rầm rộ hơn?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm