Nỗi ám ảnh ‘hồ tử thần’

Nhiều năm qua, hồ đá tại khu đô thị ĐHQG TP.HCM là nơi gây ám ảnh nhiều người bởi những cái chết thương tâm do đuối nước.

 Clip: Hồ đá tại khu đô thị ĐHQG TP.HCM

Năm nào cũng có người chết

Hồ đá thuộc địa bàn thị xã Dĩ An, Bình Dương, cách trung tâm TP.HCM gần 15 km. Nơi đây từng là công trường khai thác đá cung cấp cho ngành xây dựng, sau đó việc khai thác dừng và để lại những hố rất sâu. Qua thời gian, những hố trên hình thành nên hồ nước sâu rất nguy hiểm.

Hồ nước này thu hút từ trẻ nhỏ, học sinh sinh viên, công nhân đến những người dân sống ven khu vực. Bên cạnh vẻ đẹp do đặc điểm địa hình mang lại, nơi đây còn nổi tiếng là điểm chết chóc khi nhiều năm liên tục đều có người chết đuối.

Theo số liệu từ Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị ĐHQG TP.HCM, từ năm 2011 đến 2016 đã có khoảng 30 vụ tai nạn chết người tại hồ đá. Riêng năm 2016 có năm vụ, trong đó có bốn vụ xảy ra trong một tháng.

Từ năm 2017 trở lại đây tuy có giảm nhưng vẫn xảy ra 1-2 vụ đuối nước/năm và mối nguy hiểm vẫn luôn thường trực. Và gần đây nhất, vào tháng 4-2018, một học sinh lớp 7 theo học tại Trường THCS Tân Phú (quận 9) khi đùa giỡn cùng các bạn học đã trượt ngã xuống nước và tử vong.

“Đó là một sự mất mát lớn cho nhiều gia đình và xã hội” - ông Trần Việt Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị ĐHQG TP.HCM, chia sẻ.

Khu vực hồ đá. Ảnh: H.NGUYÊN

Lực lượng chức năng đang tìm kiếm thi thể học sinh lớp 7  bị đuối nước tại hồ đá hồi tháng 4 năm nay. Ảnh: N.THẠCH

Phớt lờ bảng cấm

Một bảo vệ tại chốt an ninh ở hồ đá cho biết xung quanh hồ đá lúc nào cũng có người, ban ngày thưa thớt và đông nhất vào lúc xế chiều. Người ta len vào mấy hàng rào cũ đã bị tháo dỡ, men theo con đường này để vào bên trong hồ đá. “Một số người đến câu cá, số còn lại chủ yếu đến chụp ảnh hoặc ngồi trò chuyện. Có người còn chạy xe sâu vào tận bên trong”.

“Mình thấy chỗ này chết nhiều người lắm rồi. Người ta có treo bảng cấm, lập rào chắn nhưng không ai nghe, cứ lao mình vào đó. Hết chụp ảnh rồi nhảy xuống tắm, ngăn cũng không được” - bạn Thanh Trúc (sinh viên ĐH KHXH&NV) nhận xét.

Ông Trần Việt Thắng cho hay để giảm thiểu tai nạn tại hồ đá, từ tháng 2-2017, trung tâm đã thực hiện giai đoạn 1 xây mới 500 m hàng rào kiên cố sát bờ hồ. Theo đánh giá của ông Thắng, giải pháp này đã phát huy được tác dụng.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã phối hợp cùng công an địa phương có các biện pháp bảo vệ, tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý những người cố tình vi phạm. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng việc này chưa thực sự hiệu quả bởi khu đô thị ĐHQG TP.HCM có tới năm hồ nước rộng, nhiệm vụ quản lý vì thế mà gặp khó khăn. Mặt khác, ý thức của người dân chưa cao, bất chấp nguy hiểm rình rập, cố tình leo vào để vui chơi.

Theo ông Thắng, trung tâm đã có buổi làm việc với Công an thị xã Dĩ An để tìm các giải pháp ngăn chặn tình trạng mọi người tắm hồ hoặc vào chơi những vị trí nguy hiểm quanh hồ. Trước mắt sẽ lắp thêm các bảng cảnh báo nguy hiểm, vá dặm các hàng rào đã bị xuống cấp, bị cắt phá, đồng thời đào các hào ngăn cách để hạn chế người dân vào.

“Lực lượng của trung tâm và dân phòng sẽ tăng cường tuần tra và nhắc nhở người dân không vào khu vực hồ. Sắp tới nếu lực lượng được đảm bảo thì chúng tôi sẽ lập chốt an ninh cố định tại khu vực này” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm