Ma men quậy tưng khi gặp CSGT

Nhiều CSGT TP.HCM cho biết việc đối phó với các ma men gặp nhiều khó khăn và mất thời gian nhất. Vì người vi phạm khi đã “xỉn” thường bất hợp tác, lè nhè, cố cãi chày cãi cối, cho rằng mình không say.

Phùng mang trợn mắt nhưng không chịu… thổi vào ống!

Đội trưởng một đội CSGT trên địa bàn TP kể, khi bị kiểm tra nồng độ cồn, nhiều ma men cứ ngậm ống, phùng mang trợn mắt lên nhưng… không chịu thổi vào máy.

Khi máy đo không hiện thông số, các ông liền lớn tiếng: “Thấy chưa, tôi có xỉn đâu mà đòi thổi!”. Tiếp tục nhắc nhở, họ lại giở bài trợn mắt phùng mang rồi nói: “Thổi rồi đó, thấy chưa, vẫn vậy!”.

Cũng có trường hợp thổi nhưng khi biết vi phạm nồng độ cồn thì lập tức phản pháo “Tôi uống có hai, ba chai thì sao mà xỉn được”. Rồi quay qua hỏi: “Máy này là máy thật hay máy giả? Đưa tôi xem tem kiểm định, giấy tờ kiểm định đi” rồi yêu cầu CSGT đưa đi thử máu vì cho rằng máy “rởm”.

Có ông say còn “vui tính”: “Anh CSGT ơi, anh thổi đi, anh cũng xỉn rồi đó”…

Các CSGT thuộc Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn (thuộc PC67) vẫn không quên những chuyện dở khóc dở cười khi xử lý vi phạm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng. Khi phát hiện một người đàn ông chạy xe máy vào làn đường của ô tô và có dấu hiệu không tỉnh táo, tổ công tác liền ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Khi thấy kết quả nồng độ vượt quá so với quy định, ông này lè nhè, không chấp nhận ký biên bản, cho rằng mình không say, thậm chí còn dùng những lời lẽ khó nghe để tranh luận với CSGT.

Nhiều ma men từ chối đo nồng độ cồn vì cho là không say, máy rởm. Ảnh: LÊ THOA

Sự việc kéo dài rất lâu, lực lượng CSGT phải nhờ sự can thiệp của công an phường, cán bộ đoàn thể phường cũng không hiệu quả. Người vi phạm này sau đó bước lại bãi cỏ đại tiện trước mặt CSGT, rồi định dúi “sản phẩm” vào người lực lượng chức năng.

“Chuyện người vi phạm đại tiện thì ít gặp nhưng người say tiểu tiện ngay trước mặt CSGT khi bị dừng xe xảy ra khá nhiều” - một CSGT nói.

Húc xe vào CSGT

Không dừng lại ở chuyện cãi vã, chửi bới,… nhiều ma men còn lao thẳng xe vào CSGT khi bị yêu cầu dừng xe để kiểm tra.

Nhắc lại sự việc va chạm với người vi phạm gần đây, một CSGT Đội Bình Triệu (thuộc PC67) còn rùng mình. Chiến sĩ này kể khi đang thực hiện chuyên đề phòng chống đua xe tại quốc lộ 1 thì phát hiện một thanh niên chạy xe máy với tốc độ cao, biểu hiện say xỉn.

Thấy vậy, anh ra hiệu dừng xe để kiểm tra nhưng thanh niên này cứ lao xe tới. Cú tông khiến cả hai ngã xuống mặt đường và CSGT còn bị kéo lê một đoạn, bị thương.

Đội CSGT Bến Thành cũng gặp tình huống tương tự. Tại ngã tư Trần Hưng Đạo-Nguyễn Văn Cừ (quận 1), tổ công tác phát hiện hai thanh niên trên xe máy có biểu hiện say xỉn đang dừng đèn đỏ.

Một CSGT bước xuống đường yêu cầu lái xe tắt máy, dắt vào để kiểm tra nồng độ cồn thì hai thanh niên này gạt phăng, kéo ga, đâm thẳng vào lực lượng chức năng đang làm việc trên vỉa hè. Hai thanh niên cũng ngã chổng vó nhưng lập tức vùng dậy tấn công tới tấp lực lượng trước khi bỏ chạy. Cả tổ phải đuổi theo khống chế, giao cho công an phường xử lý. “Người này có hơi men nên còn đòi về nhà lấy kéo đâm chết CSGT. Thậm chí khi được đưa về công an phường vẫn còn quậy, đòi truy tố CSGT vì bắt người, chửi không ngưng miệng” - chiến sĩ Đội CSGT Bến Thành nhớ lại.

“Chúng tôi bị người vi phạm xỉn tông hoài. Nguy hiểm nhất là những lúc xe đang có trớn chạy mà mình ra hiệu dừng thì có nước chết…” - một CSGT thở dài ngao ngán.

Xỉn quắc cần câu, quậy tưng nhưng khi tỉnh rượu, đa số các ma men đều năn nỉ ỉ ôi là: “Em say quá, mong bỏ qua” nhưng theo quy định, những người dùng bia, rượu, chất kích thích khác mà vi phạm không được xem là tình tiết giảm nhẹ. Nếu chạy xe mà vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt rất nặng. Trường hợp có hành vi chống đối CSGT còn bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ.

“Khi đã uống rượu bia thì không nên chạy xe vì sẽ gây họa cho chính họ và những người chung quanh” - một CSGT khuyên các ma men.

Trong quá trình làm việc với người vi phạm, có trường hợp người dân phản ứng với cách xử lý của CSGT thì CSGT phải giữ bình tĩnh, ứng xử mềm dẻo nhưng cương quyết.

Nếu đã giải thích lỗi và yêu cầu hợp tác mà người vi phạm vẫn không chấp hành, có những hành động gây mất an ninh trật tự, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người dân xung quanh và của CSGT thì phải nhanh chóng khống chế, đưa về trụ sở cơ quan công an gần nhất để tiến hành xử lý. Không được để xảy ra tình trạng người vi phạm lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân gây mất an ninh trật tự.

Thượng tá NGUYỄN HOÀNG DIỆPPhó Trưởng phòng PC67

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm