Sơ thẩm không xét, phúc thẩm vẫn xử?!

Tháng 3-2009, TAND tỉnh Kiên Giang đã xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng hùn vốn mở lò đường giữa hai ông Võ Văn Tám, Nguyễn Văn Bảy với ông Lê Văn Tấn (cùng ngụ huyện Tân Hiệp).

Điều đáng chú ý là sau phiên phúc thẩm, ông Tấn (bị đơn) đã liên tục khiếu nại, yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm vì cho rằng TAND tỉnh Kiên Giang đã xét xử vượt quá án sơ thẩm...

Sơ thẩm: Không tranh chấp đất

Theo hồ sơ, lò đường trên hoạt động từ năm 1983, do bốn người cùng hùn vốn xây dựng. Năm 1985, các ông giao lò cho nhà nước quản lý. Một năm sau, nhà nước trả lại lò đường cho họ. Mâu thuẫn trong việc phân chia lò đường, các bên đưa nhau ra tòa. Trong bốn thành viên hùn vốn có một người hùn bằng số lượng tài sản không đáng kể như sắt phi, lúa và một con heo nên đã tự nguyện đứng ngoài, không tham gia tranh chấp.

Sơ thẩm không xét, phúc thẩm vẫn xử?! ảnh 1

Vụ án được đưa ra xét xử từ năm 1990 cho đến năm 2005 vẫn không ngã ngũ bởi bốn lần tòa sơ thẩm xử là bốn lần tòa phúc thẩm hủy án. Đến tháng 7-2008, TAND huyện Tân Hiệp mở phiên sơ thẩm lần năm. Tại phiên xử này, các bên không yêu cầu giải quyết phần đất đặt lò đường. Phần đất này được xác định là thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Tấn, do con của ông đứng tên trên giấy đỏ. Tài sản còn lại của lò đường gồm một máy kéo, dàn đục, dàn che với tổng giá trị là 12 triệu đồng. Tòa đã chia số tài sản này cho ba thành viên hùn vốn. Theo đó, ông Tấn được giao quyền quản lý sử dụng tài sản còn lại của lò đường nhưng phải thanh toán cho ông Tám 6 triệu đồng, ông Bảy 3 triệu đồng.

Phúc thẩm: Lôi cả đất vào?!

Sau đó, ông Bảy kháng cáo, yêu cầu tòa phúc thẩm đưa 2.000 m2 đất nơi đặt lò đường vào chia vì cho rằng phía ông Tấn đã đưa phần đất này vào hùn vốn.

Tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Kiên Giang xác định khi lò đường bị quản lý và giao trả đều thể hiện có phần đất chừng 300 m2. Cấp sơ thẩm không đưa phần đất này vào giải quyết là thiếu sót. Căn cứ vào bảng giá đất của UBND tỉnh, tòa định giá 300 m2 đất này hơn 77 triệu đồng. Như vậy, tổng giá trị tài sản lò đường và giá trị đất gom lại được tổng cộng gần 90 triệu đồng, được chia cho các đương sự theo tỉ lệ hùn vốn. Rốt cuộc ông Tấn phải thanh toán cho ông Tám hơn 44 triệu đồng, ông Bảy hơn 22 triệu đồng.

Xung quanh chuyện TAND huyện Tân Hiệp không giải quyết gì về đất mà TAND tỉnh Kiên Giang lại đem ra xử, luật sư Cổ Hiệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét tòa phúc thẩm đã làm sai. Về nguyên tắc, cấp phúc thẩm chỉ xem xét, giải quyết những vấn đề đã được cấp sơ thẩm xét xử. Pháp luật dành cho đương sự quyền thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo nhưng điều này không có nghĩa đương sự muốn kháng cáo ra sao cũng được. Nếu ở cấp sơ thẩm, đương sự không yêu cầu giải quyết về đất thì lên cấp phúc thẩm họ cũng không thể yêu cầu được. Chưa kể yêu cầu khởi kiện của đương sự còn liên quan đến việc tính án phí. Giả sử ở cấp sơ thẩm có tính án phí cho phần đất tranh chấp thì cấp phúc thẩm mới có thể đưa vào giải quyết.

Theo luật sư Cổ Hiệp, vụ án này có một nguyên đơn kháng cáo với yêu cầu mới. Đúng ra cấp phúc thẩm phải tách yêu cầu này thành một vụ kiện khác, hoặc hủy án sơ thẩm để xét xử lại trong trường hợp không thể tách được.

Luật sư Phạm Quốc Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Không đảm bảo hai cấp xét xử

Theo Điều 263 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị, hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.

Trong vụ án này, cấp sơ thẩm không giải quyết gì về đất nhưng tòa phúc thẩm lại định giá và phân chia giá trị đất. Như vậy, phần đất chỉ mới qua một cấp xét xử là phúc thẩm. Tòa phúc thẩm vừa vi phạm Điều 263 về giới hạn xét xử phúc thẩm, vừa vi phạm Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự về thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Điều này gây thiệt hại lớn cho các đương sự bởi án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay và đương sự không có quyền kháng cáo.

Cách giải quyết đúng nhất là nếu tòa phúc thẩm cho rằng việc cấp sơ thẩm thiếu sót khi không đưa phần đất vào giải quyết thì tòa phải dành cho đương sự quyền khởi kiện thành một vụ án khác, hoặc hủy án để trả hồ sơ về cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu.

HOÀNG LAM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.