Kiện đòi bệnh viện mắt bồi thường gần 80.000 USD

Tuy nhiên, do luật sư của ông Huỳnh Tom Vũ (Việt kiều Mỹ, người kiện BV Thái Thành Nam) vắng mặt nên tòa đã tạm hoãn phiên xử, khi nào mở lại sẽ thông báo sau.

Kiện vì mắt bị phù?

Theo đơn khởi kiện của ông Vũ, năm 2009, khi về Việt Nam thăm người thân, ông thấy mắt phải bị mờ nên đi khám tại BV Thái Thành Nam. Bác sĩ bệnh viện này chẩn đoán mắt phải của ông bị đục thủy tinh thể, phải mổ theo phương pháp Phaco + IOL. Ngày 5-6-2009, ông Vũ nhập viện mổ mắt (chi phí thực hiện ca mổ là 7,9 triệu đồng). Sau 4 giờ điều trị, ông được xuất viện với kết luận tình trạng lúc ra viện ổn định.

Chỉ vài giờ sau khi mổ, ông Vũ có biểu hiện nhức mắt, mắt không nhìn thấy gì nên tiếp tục tái khám tại bệnh viện và nhận được kết quả tình trạng bình thường. Ông được hẹn tái khám vào các ngày sau đó cùng toa thuốc do bác sĩ kê. Sau hai lần tái khám và nhận thuốc, ông vẫn thấy tình trạng mắt không có biến chuyển nên tìm tới một bệnh viện mắt khác và được chẩn đoán mắt phải đã bị loét giác mạc cùng khuyến cáo “nếu không điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ bị mù vĩnh viễn”.

Kiện đòi bệnh viện mắt bồi thường gần 80.000 USD ảnh 1

Ông Huỳnh Tom Vũ, người khởi kiện đòi BV Mắt Thái Thành Nam bồi thường gần 80.000 USD. Ảnh: DƯƠNG HẰNG

Ngày 20-6, ông Vũ tiếp tục tái khám theo lịch hẹn của BV Mắt Thái Thành Nam nhưng các bác sĩ ở đây vẫn cho rằng biểu hiện của mắt ông bình thường. Lo lắng, ông Vũ tức tốc về lại Mỹ khám và tiến hành mổ mắt thay giác mạc với chi phí điều trị là 50.000 USD.

Sau đó, ông Vũ về lại Việt Nam và khởi kiện BV Thái Thành Nam yêu cầu bồi thường gần 80.000 USD tiền chi phí chữa bệnh cùng thiệt hại về thu nhập. Ông cho rằng bệnh viện có lỗi trực tiếp trong việc làm mắt của ông bị phù, dẫn đến phải thay giác mạc nên phải bồi thường.

Bệnh viện: “Không có lỗi, không bồi thường”

Theo luật sư của ông Vũ, sau khi xuất viện, chỉ trong vòng 4 giờ, ông Vũ đã có biểu hiện bất thường và tái khám nhưng phía bệnh viện vẫn cho đây là triệu chứng bình thường, trong khi nhiều trung tâm khám chữa khác lại chẩn đoán “nếu không chữa trị kịp thời sẽ bị mù”. Mặt khác, toa thuốc điều trị sau khi mổ của bệnh viện kê là không phù hợp, gây bất lợi cho bệnh nhân. Cụ thể, trong toa thuốc có hai loại, trong đó một loại cấm sử dụng trước bảy ngày sau khi mổ và một loại có phản ứng phụ là gây nấm mắt. Ngoài ra, ngay từ khi vào mổ mắt, phía bệnh viện đã không tiên liệu trước khả năng xấu để cảnh báo với bệnh nhân. Từ những nguyên nhân này dẫn đến biến chứng về mắt của ông Vũ là phù mắt và phải thay giác mạc.

Tranh luận lại, phía bệnh viện cho rằng đã thực hiện đúng quy chế của Bộ Y tế, chẩn đoán đúng bệnh và phẫu thuật kịp thời cho bệnh nhân. Vấn đề phù mắt sau khi mổ là triệu chứng bình thường, sẽ hồi phục nhưng rất chậm, có thể kéo dài cả năm. Do bệnh nhân không chịu phối hợp đến tái khám theo chỉ định mà tự ý bỏ đi không thông báo. Thêm nữa, tính đến thời điểm bệnh nhân tự ý bỏ đi chữa bệnh nơi khác thì phác đồ điều trị của bệnh viện chưa kết thúc. Vì vậy lỗi hoàn toàn do phía bệnh nhân.

Phía bệnh viện cũng cho rằng vấn đề xảy ra là không ai mong muốn nên bệnh viện trước đó rất có thiện chí hòa giải, chấp nhận hỗ trợ hơn 8.000 USD cho ông Vũ. Tuy nhiên, ông Vũ vẫn khởi kiện làm mất uy tín của bệnh viện. Vì lẽ đó bệnh viện lại càng không đồng ý bồi thường.

Tại phiên tòa, phía bệnh viện còn lập luận trước đây Sở Y tế TP.HCM đã có kết quả của Hội đồng Khoa học kỹ thuật đánh giá rằng bệnh viện không có sai sót trong quá trình điều trị (bệnh viện chưa có văn bản này trong tay). Phía ông Vũ thì đề nghị tòa trưng cầu giám định nhưng cần lập một hội đồng mới với sự tham gia của luật sư...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi vụ việc có diễn tiến mới.

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm