Ba bệnh nhân khởi kiện bệnh viện mắt

Ngày 22-9, TAND quận 3 (TP.HCM) đã thụ lý đơn kiện của ba nguyên đơn là bà Lê Thị Diệu (ngụ tỉnh Đồng Nai), Giang Muỗi Muỗi (ngụ TP.HCM) và Nguyễn Thị Tuyết (ngụ tỉnh Cà Mau) kiện đòi BV Mắt TP.HCM bồi thường hàng trăm triệu đồng thiệt hại do bị bệnh viện làm hư mắt.

Tưởng sáng hóa ra… hết thấy đường

Bà Diệu trình bày trong đơn kiện, đầu tháng 5, bà đến bệnh viện mổ cườm mắt phải. Sau khi về nhà, mắt bị sưng, chảy nước và đau đến mức ngất xỉu, phải cấp cứu. Hơn một tháng điều trị, mắt bà bị teo, thụt sâu vào trong và không nhìn thấy gì.

Hai nguyên đơn là bà Muỗi và bà Tuyết cho biết thêm, hai bà được bệnh viện chẩn đoán đục thủy tinh thể nên tiến hành thay thủy tinh thể nhân tạo. “Chỉ hai ngày sau khi thay thủy tinh thể, mắt bên trái của tui bị mờ đi, đau nhức và sưng to, phải nhập viện điều trị lại. Hơn một tháng sau thì coi như mù” - bà Tuyết than. Ngoài ra, bà bảo còn bị các di chứng khác như đau bao tử, chân tay run, cảm sốt thường xuyên nên luôn phải có một người khác chăm sóc.

Còn bà Muỗi kể: “Sau khi về nhà, mắt trái của tui sưng húp, mờ dần và hiện nay tui nhìn mọi thứ đều không rõ”.

Ba bệnh nhân khởi kiện bệnh viện mắt ảnh 1

Nhiều bệnh nhân mệt mỏi vì mắt nhiễm trùng và nằm viện quá lâu. (Ành chụp tháng 6). Ảnh: DUY TÍNH

Đòi bồi thường cả trăm triệu đồng

Sau khi báo chí phản ánh, phía BV Mắt đã thừa nhận sai sót trong quá trình điều trị gây ra sự cố trên. Tuy nhiên, bệnh viện cũng nại rằng bệnh nhân bị nhiễm trùng mắt là do lỗi của nhà sản xuất chất chỉ thị màu không đảm bảo chất lượng. Theo hồ sơ, khoảng 20 bệnh nhân thay thủy tinh thể nhân tạo đã bị biến chứng viêm mủ nội nhãn. Nguyên nhân do bệnh viện dùng thuốc có chất chỉ thị màu trypan blue (hãng Khosla, Ấn Độ sản xuất; Công ty TNHH Thiết bị kỹ thuật y khoa Việt Mỹ ở TP.HCM nhập khẩu và phân phối) mang vi khuẩn mủ xanh.

Sau đó bệnh viện chỉ trả lại cho bà Diệu 2 triệu đồng, bà Muỗi hơn 7,5 triệu đồng và bà Tuyết 5,5 triệu đồng tiền viện phí. Ngoài ra, mỗi bệnh nhân được hỗ trợ 1 triệu đồng tiền đi lại. Bệnh viện đồng ý tái khám, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân trong một thời gian.

Tuy nhiên, theo ba nguyên đơn, việc làm trên chưa mang tính chất bù đắp những tổn thất về vật chất và tinh thần mà họ đang phải gánh chịu. Bởi khi họ bỏ tiền đến bệnh viện điều trị là mong được sáng mắt nhưng thực tế là tiền mất tật mang. Bệnh viện thừa nhận sai sót nhưng không chịu bồi thường nên họ phải nhờ tòa án bảo vệ.

Các khoản mà ba nguyên đơn yêu cầu bồi thường là chi phí cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe, các khoản thu nhập bị mất trong quá trình điều trị kéo dài, tiền tổn thất tinh thần và tiền để thay mắt giả thẩm mỹ… Theo đó, sau khi trừ số tiền phía bệnh viện đã trả thì bà Diệu đòi bồi thường hơn 142 triệu đồng, bà Muỗi đòi hơn 125 triệu đồng và bà Tuyết đòi hơn 119 triệu đồng. Ngoài ra, ba nguyên đơn còn yêu cầu nếu sau này mắt của họ còn bị biến chứng, di chứng nữa thì toàn bộ tiền điều trị sau đó bệnh viện cũng phải chịu khi họ yêu cầu.

Hiện các nguyên đơn đang bổ túc hồ sơ cho tòa để chứng minh cho yêu cầu đòi bồi thường của mình.

Đơn vị sản xuất thuốc là người liên quan

Theo Văn phòng luật sư Người Nghèo (đơn vị tư vấn, hỗ trợ các bệnh nhân), ngoài ba nguyên đơn trên thì còn khoảng 12 người nữa đang nhờ tư vấn pháp lý để kiện BV Mắt. Đây là những người bị thiệt hại tương tự trong cùng thời gian điều trị ở bệnh viện và cư trú nhiều địa phương khác nhau, có người ở tận Cà Mau, Dăk Lăk. Trưởng văn phòng luật sư cho biết họ đều là nông dân, khó khăn về kinh tế và đang chờ sự thiện chí từ phía bệnh viện để không phải ra tòa. Nếu hai bên không thương lượng được thì tuần sau sẽ có những người tiếp theo gửi đơn đến tòa vì hồ sơ đã tương đối đầy đủ.

Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, khi tham gia tố tụng, bệnh viện có quyền viện dẫn nguồn cung cấp thuốc để tòa triệu tập đơn vị sản xuất với tư cách là người liên quan...

Bệnh viện có thể khởi kiện người liên quan…

Theo tôi, trong trường hợp này, người dân kiện BV Mắt là hợp lý vì đơn vị sản xuất thuốc không trực tiếp gây ra thiệt hại. Bệnh viện là đơn vị kinh doanh, bệnh nhân đến mổ mắt là khách hàng. Bệnh nhân muốn được mổ mắt thì phải đóng tiền nên phải được đền bù chứ không đơn thuần là trả lại viện phí, hỗ trợ đi lại. Đơn vị sản xuất thuốc là người bán sản phẩm cho bệnh viện nên nếu bệnh viện thấy mình bị thiệt hại thì có thể kiện đơn vị này bồi thường cho mình sau. Nhưng trước hết bệnh viện phải bồi thường cho người dân chứ không ai khác.

Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh HOÀNG VĂN HẢI

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm